Định cư Mỹ (Hoa Kỳ) [Tổng hợp những điều cần biết]

Hoa Kỳ ngày nay

Định cư Mỹ (Hoa Kỳ) [Tổng hợp những điều cần biết]

Hoa Kỳ cũng bao gồm cả các vùng lãnh thổ Guam, American Samoa, quần đảo Virgin Islands của Hoa Kỳ, và khối thịnh vượng chung Northern Mariana Islands và Puerto Rico, là những nơi không có trên bản đồ này.

Những Ngày Lễ Liên Bang

Hầu hết các văn phòng liên bang đều đóng cửa vào những ngày lễ chính thức Nếu ngày lễ trùng với ngày thứ Bảy trong tuần, ngày lễ sẽ được chuyển sang ngày thứ Sáu trước đó Nếu trùng với ngày Chủ Nhật thì được chuyển sang ngày thứ Hai sau đó Nhiều nhà tuyển dụng phi chính phủ cũng cho nhân viên của mình nghỉ vào những ngày lễ này Chính phủ liên bang đã quy định những ngày lễ chính thức dưới đây.

Tết TâyNgày 1 Tháng Giêng
Ngày Sinh của Martin Luther King, JrNgày Thứ Hai trong tuần thứ 3 của
Tháng Giêng
Ngày Tưởng Niệm Các Vị Tổng
Thống
Ngày Thứ Hai trong tuần thứ 3 của
Tháng Hai
Lễ Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận VongNgày Thứ Hai cuối cùng của Tháng
Năm
Ngày Lễ Độc LậpNgày 4 Tháng Bảy
Ngày Lễ Lao ĐộngNgày Thứ Hai đầu tiên của Tháng
Chín
Ngày Tưởng Niệm ColumbusNgày Thứ Hai trong tuần thứ 2 của
Tháng Mười
Ngày Cựu Chiến BinhNgày 11 Tháng Mười Một
Ngày Lễ Tạ ƠnNgày Thứ Năm trong tuần thứ 4 của
Tháng Mười Một
Lễ Giáng SinhNgày 25 Tháng Mười Hai

Quyền Và Trách Nhiệm Của Quý Vị

Là một thường trú nhân, những gì quý vị làm có thể ảnh hưởng đến khả năng trở thành công dân Hoa Kỳ sau này. Quá trình trở thành một công dân Hoa Kỳ được gọi là nhập quốc tịch. Là một thường trú nhân, quý vị có quyền:

  • Sống vô hạn định ở bất cứ nơi nào tại Hoa Kỳ.
  • Làm việc tại Hoa Kỳ.
  • Sở hữu bất động sản tại Hoa Kỳ.
  • Theo học ở những trường công lập.
  • Xin bằng lái xe trong tiểu bang hoặc trong khu vực quý vị đang sống.
  • Gia nhập vào một số binh chủng của Lực Lượng Vũ Trang Hoa Kỳ.
  • Xin hưởng tiền An Sinh Xã Hội (Social Security), tiền Phụ Cấp Bệnh Tật SSI
    (Supplemental Security Income) và trợ cấp chăm sóc Y tế (Medicare), nếu quý vị
    hội đủ điều kiện.
  • Nộp đơn xin nhập quốc tịch Hoa Kỳ khi quý vị hội đủ điều kiện.
  • Xin thị thực cho chồng hoặc vợ và con cái còn độc thân đến sống ở Hoa Kỳ.
  • Xuất nhập cảnh Hoa Kỳ trong một số điều kiện nhất định.

Là một thường trú nhân, quý vị phải:

  • Tuân thủ toàn bộ luật pháp của liên bang, tiểu bang và địa
    phương.
  • Đóng thuế thu nhập cho liên bang, tiểu bang và địa
    phương.
  • Phải đăng ký với Sở Quân Vụ (Selective Service) (Lực Lượng Vũ Trang Hoa Kỳ), nếu quý vị là nam giới từ 18 đến 26 tuổi.
  • Duy trì tình trạng nhập cư của mình.
  • Luôn mang theo giấy tờ chứng minh tình trạng thường trú nhân của quý vị.
  • Mỗi khi chuyển chỗ ở, phải báo địa chỉ mới trên mạng hoặc gửi thư báo địa chỉ mới cho USCIS trong vòng 10 ngày.

Quý Vị Có Thể Làm Gì

Với tư cách thường trú nhân, quý vị có nhiều quyền lợi và quyền tự do. Ngược lại, quý vị có một số trách
nhiệm. Một trong những trách nhiệm quan trọng là tham gia vào sinh hoạt cộng đồng. Quý vị cũng nên tìm hiểu về văn hóa cũng như lịch sử và chính phủ của Hoa Kỳ. Quý vị có thể làm được điều này bằng cách tham dự những lớp giáo dục dành cho người lớn và đọc báo địa phương.

Định Cư Ở Hoa Kỳ

Phần này cung cấp thông tin có thể giúp quý vị thích nghi với đời sống ở Hoa Kỳ. Quý vị sẽ tìm hiểu về việc xin Số An Sinh Xã Hội, tìm kiếm nhà ở và công ăn việc làm, cách tìm dịch vụ chăm sóc con em và đi lại tại Hoa Kỳ.

Xin Số An Sinh Xã Hội

Là một thường trú nhân, quý vị hội đủ điều kiện nhận Số An Sinh Xã Hội, đây là số do chính phủ Hoa Kỳ cấp cho quý vị. Số này giúp chính quyền theo dõi thu nhập của quý vị và các trợ cấp quý vị có thể được hưởng. Số An Sinh Xã Hội cũng được các tổ chức tài chính và những cơ quan khác, như trường học, sử dụng để nhận dạng quý vị.

Quý vị có thể phải cung cấp Số An Sinh Xã Hội khi thuê căn hộ hoặc mua nhà.

An Sinh Xã Hội là chương trình của chính phủ Hoa Kỳ trợ cấp cho một số người lao động đã nghỉ hưu và gia đình của họ; một số người lao động khuyết tật và gia đình họ; và một số thân nhân của người lao động đã qua đời. Cơ quan chính phủ phụ trách chương trình An Sinh Xã Hội được gọi là Sở An Sinh Xã Hội (SSA).

Định cư Mỹ (Hoa Kỳ) [Tổng hợp những điều cần biết]

Tìm văn phòng An Sinh Xã Hội gần nơi ở của quý vị nhất bằng cách:

  • Xem trên trang web của SSA, www.ssa.gov. Để đọc tiếng Tây Ban Nha, vui lòng truy cập www.ssa.gov/espanol. Trang web này còn có thông tin hạn chế bằng một số ngôn ngữ khác.
  • Gọi 1-800-772-1213 hoặc 1-800-325-0778 (dành cho người khiếm thính) từ 7 giờ sáng tới 7 giờ tối. Có cả dịch vụ thông dịch miễn phí.

Nếu Quý Vị Không Nói Được Tiếng Anh

Văn phòng An Sinh Xã Hội có thể cung cấp thông dịch viên miễn phí để giúp quý vị nộp đơn xin Số An Sinh Xã Hội. Khi quý vị gọi cho văn phòng An Sinh Xã Hội, hãy nói với người trả lời điện thoại rằng quý vị không nói được tiếng Anh. Họ sẽ tìm thông dịch viên để giúp quý vị. Quý vị cũng có thể nhận được sự trợ giúp của thông dịch viên khi quý vị đến văn phòng An Sinh Xã Hội.

Trang web của Sở An Sinh Xã Hội có những thông tin hữu ích cho những người mới tới Hoa Kỳ. Tại trang web này có phần “Other Languages” (Những ngôn ngữ khác) đưa thông tin về An Sinh Xã Hội bằng một số ngôn ngữ. Vui lòng truy cập https://www.ssa.gov/; đối với tiếng Tây Ban Nha, vui lòng truy cập https://www.ssa.gov/espanol/.

Quý vị không cần điền đơn xin hoặc đến văn phòng An Sinh Xã Hội để xin Số An Sinh Xã Hội nếu tất cả những điều kiện sau đây áp dụng cho quý vị:

  • Quý vị đã xin thẻ hoặc Số An Sinh Xã Hội khi làm đơn xin thị thực nhập cư;
  • Quý vị đã làm đơn xin thị thực nhập cư trong tháng 10 năm 2002 hoặc sau
    đó; và
  • Quý vị từ 18 tuổi trở lên khi tới Hoa Kỳ.

Trong trường hợp này, thông tin cần thiết để cấp Số An Sinh Xã Hội cho quý vị đã được Bộ Ngoại Giao và Bộ An Ninh Nội Địa gửi tới Sở An Sinh Xã Hội (SSA). Sở An Sinh Xã Hội sẽ cấp cho quý vị Số An Sinh Xã Hội và gửi thẻ An Sinh Xã Hội của quý vị qua đường bưu chính tới cùng địa chỉ mà USCIS đã sử dụng để gửi thẻ Thường Trú Nhân cho quý vị. Quý vị sẽ nhận được thẻ An Sinh Xã Hội trong vòng ba tuần sau khi tới Hoa Kỳ. Nếu quý vị không nhận được thẻ của mình trong vòng ba tuần sau khi tới Hoa Kỳ, hãy liên lạc ngay với SSA. Hãy liên lạc ngay với SSA nếu quý vị thay đổi địa chỉ nhận thư sau khi quý vị tới nhưng trước khi quý vị nhận được thẻ An Sinh Xã Hội.

Quý vị phải đến văn phòng An Sinh Xã Hội để xin Số An Sinh Xã Hội nếu có bất kỳ điều kiện nào sau đây áp dụng cho quý vị:

  • Quý vị đã không yêu cầu cấp Số An Sinh Xã Hội hoặc thẻ An Sinh Xã Hội khi xin thị thực nhập cư;
  • Quý vị đã nộp đơn xin thị thực nhập cư trước tháng 10 năm 2002; hoặc
  • Quý vị dưới 18 tuổi khi tới Hoa Kỳ.

Một đại diện An Sinh Xã Hội sẽ giúp quý vị nộp đơn xin Số An Sinh Xã Hội. Mang theo giấy tờ sau đây khi quý vị tới văn phòng An Sinh Xã Hội để nộp đơn xin:

  • Giấy khai sinh hoặc những giấy tờ khác như hộ chiếu cho biết năm sinh và nơi sinh.
  • Giấy tờ cho biết tình trạng nhập cư, bao gồm cả giấy phép lao động tại Hoa Kỳ. Giấy tờ này có thể là Thẻ Thường Trú Nhân hoặc hộ chiếu có đóng dấu nhập cư hoặc nhãn thị thực.

Sở An Sinh Xã Hội sẽ gửi cho quý vị Số An Sinh Xã Hội qua đường bưu điện. Quý vị sẽ nhận được thẻ An Sinh Xã Hội khoảng hai tuần sau khi Sở An Sinh Xã Hội nhận được đầy đủ các giấy tờ cần thiết cho đơn xin của quý vị. Nếu SSA cần xác minh bất kỳ tài liệu nào thì sẽ mất thêm thời gian để nhận Số An Sinh Xã Hội.

Tìm Chỗ Ở

Ở Hoa Kỳ, quý vị có thể chọn nơi mình muốn sinh sống. Nhiều người sống chung với bạn bè hoặc người thân trong gia đình khi họ mới tới. Những người khác chuyển ra ở riêng.

Ở Hoa Kỳ, hầu hết mọi người tiêu tốn khoảng 25% thu nhập để trả tiền nhà. Dưới đây là một số lựa chọn nhà ở khác nhau mà quý vị có thể cân nhắc.

Thuê Nhà

Định cư Mỹ (Hoa Kỳ) [Tổng hợp những điều cần biết]

Quý vị có thể tìm thuê những căn hộ hoặc nhà. Quý vị có thể tìm bằng một số cách:

  • Tìm những bảng hiệu “Căn Hộ Cho Thuê” (Apartment Available) hoặc “Cho Thuê” (For Rent) trên những tòa nhà.
  • Hỏi thăm bạn bè, bà con hoặc đồng nghiệp để biết những nơi cho thuê.
  • Tìm các thông báo “Cho Thuê” tại nơi những nơi công cộng, như bảng tin trong thư viện, tiệm tạp hóa và trung tâm cộng đồng.
  • Đọc những mục cho thuê nhà trên mạng Internet. Nếu không có máy tính ở nhà, quý vị có thể sử dụng máy tính trong thư viện công cộng tại địa phương.
  • Xem trên những trang vàng trong danh bạ điện thoại tại mục “Quản Lý Bất Động Sản” (Property Management). Đây là những công ty cho thuê căn hộ và nhà. Những công ty này có thể tính lệ phí cho việc giúp quý vị tìm nhà.
  • Tìm mục “Rao Vặt” (Classifieds) trên báo. Tìm trang liệt kê “Căn Hộ Cho Thuê” (Apartments for Rent) hoặc “Nhà Cho Thuê” (Homes for Rent). Những trang này sẽ có thông tin về nhà và căn hộ cho thuê.
  • Gọi đến một nhân viên địa ốc địa phương.

Gọi 311 để biết Thông tin về Dịch vụ của Thành phố hoặc Thị trấn

Tại nhiều thành phố và thị trấn, quý vị có thể gọi 311 để tìm các dịch vụ không khẩn cấp của chính quyền. Ví dụ, quý vị có thể gọi 311 để hỏi về thu nhặt rác hoặc yêu cầu vỉa hè cần được sửa chữa. Một số nơi không cung cấp dịch vụ 311. Gọi chính quyền thành phố và thị trấn để xem có 311 trong khu vực của quý vị hay không.

Phải Chuẩn Bị Những Gì Khi Thuê Nhà

Định cư Mỹ (Hoa Kỳ) [Tổng hợp những điều cần biết]

Nộp Đơn Xin Thuê Nhà: Những người thuê nhà được gọi là người đi thuê. Là người đi thuê, quý vị phải thuê nhà trực tiếp từ chủ nhà (chủ sở hữu bất động sản) hoặc thông qua người quản lý bất động sản (người chịu trách nhiệm về bất động sản đó). Chủ nhà hoặc người quản lý bất động sản có thể đề nghị quý vị điền đơn xin thuê nhà, trong đó xác định liệu quý vị có tiền thanh toán thuê nhà hay không.

Đơn xin này có thể yêu cầu số An Sinh Xã Hội và giấy tờ chứng minh rằng quý vị đang có việc làm. Quý vị có thể sử dụng Thẻ Thường Trú Nhân nếu quý vị chưa có số An Sinh Xã Hội hoặc quý vị có thể xuất trình cuống phiếu lương từ công việc để chứng minh mình đang có việc làm. Quý vị có thể phải trả một khoản lệ phí nhỏ khi nộp đơn xin.

Nếu quý vị vẫn chưa đi làm, có thể quý vị sẽ nhờ ai đó ký tên chung vào bản hợp đồng thuê nhà của mình. Người này được gọi là người đồng ký tên. Nếu quý vị không thể trả tiền thuê nhà thì người đồng ký tên chịu trách nhiệm trả.

Ký Hợp Đồng Thuê Nhà: Nếu chủ nhà đồng ý cho quý vị thuê nhà, quý vị sẽ ký hợp đồng thuê nhà. Hợp đồng thuê nhà là một văn bản pháp luật. Khi ký hợp đồng thuê nhà, quý vị đồng ý thanh toán tiền nhà đúng hẹn và đồng ý thuê nhà đó trong một thời gian nhất định. Hầu hết các hợp đồng thuê nhà có thời hạn một năm. Quý vị cũng có thể tìm nhà ở với thời hạn thuê ngắn hơn chẳng hạn như một tháng. Quý vị có thể phải trả tiền nhiều hơn cho hợp đồng thuê nhà ngắn hạn.

Khi ký hợp đồng thuê nhà, quý vị chấp thuận giữ cho nhà sạch sẽ và được bảo quản tốt. Nếu quý vị làm hư hại nơi thuê, có thể quý vị phải trả thêm một khoản phí tổn. Hợp đồng thuê nhà cũng có thể quy định số người có thể ở trong nhà.

Đặt Tiền Thế Chân: Người thuê thường đặt tiền thế chân trước khi chuyển vào nhà. Số tiền này thường bằng số tiền thuê nhà một tháng. Quý vị sẽ nhận lại tiền thế chân khi trả nhà nếu nhà sạch sẽ và trong tình trạng tốt. Nếu không, chủ nhà có thể giữ một phần hoặc tất cả số tiền này để trả cho việc lau chùi hoặc sửa chữa.

Hãy kiểm tra nhà hoặc căn hộ trước khi quý vị dọn vào. Nói cho chủ nhà biết về bất cứ vấn đề nào mà quý vị tìm thấy. Trước khi dọn đi hãy hỏi chủ nhà để biết quý vị cần phải sửa hoặc làm sạch những gì để được hoàn trả toàn bộ tiền thế chân của mình.

Trả Các Chi Phí Khác Khi Thuê Nhà: Đối với một số nhà hoặc căn hộ, tiền thuê bao gồm cả những chi phí tiện ích như gas, điện, sưởi ấm, nước và đổ rác. Đối với những nhà thuê khác, quý vị phải trả riêng cho những chi phí này. Khi quý vị tìm nhà ở, hãy hỏi chủ nhà xem giá thuê đã bao gồm chi phí tiện ích chưa. Nếu giá thuê đã bao gồm chi phí tiện ích, hãy đảm bảo thông tin này nằm trong hợp đồng thuê trước khi quý vị ký. Nếu tiền nhà không bao gồm tiện ích, quý vị hãy tìm hiểu những khoản này sẽ tốn bao nhiêu trước khi quý vị ký hợp đồng. Chi phí của một số tiện ích sẽ cao hơn vào mùa hè (để dùng máy lạnh) hoặc mùa đông (để dùng máy sưởi). Đôi khi, có sẵn bảo hiểm cho người thuê, còn được coi là bảo hiểm cho người đi thuê. Bảo hiểm này bảo vệ những tài sản cá nhân, mang tới sự bảo vệ nghĩa vụ tài chính và có thể bao trả chi phí sinh hoạt bổ sung nếu ngôi nhà quý vị thuê bị phá hủy hoặc hư hại.

Kết Thúc Hợp Đồng Thuê Nhà: Kết thúc một hợp đồng thuê nhà được gọi là “chấm dứt hợp đồng thuê nhà”. Nếu quý vị cần chấm dứt hợp đồng thuê sớm hơn dự kiến, quý vị sẽ phải trả tiền thuê hàng tháng cho đến khi chấm dứt hợp đồng ngay cả khi quý vị không còn tiếp tục ở đó nữa. Cũng có thể quý vị không lấy lại được tiền thế chân nếu quý vị chuyển đi trước khi hết hợp đồng thuê. Trước khi quý vị rời đi, hãy gửi thông báo bằng văn bản cho chủ nhà để báo rằng quý vị đã sẵn sàng chuyển đi. Hầu hết chủ nhà đòi hỏi bản thông báo ít nhất 30 ngày trước khi quý vị muốn chuyển đi. Trước khi quý vị ký hợp đồng thuê, hãy đảm bảo là quý vị hiểu các điều khoản và hỏi xem quý vị phải thông báo với chủ nhà ra sao trước khi chuyển đi.

Nêu Vấn Đề Sửa Chữa Nhà Với Chủ Nhà

Chủ nhà phải giữ nhà hoặc căn hộ mà quý vị thuê an toàn và ở tình trạng tốt. Nếu quý vị cần sửa nhà:

  • Đầu tiên, hãy nói cho chủ nhà biết. Nói cho chủ nhà về trục trặc và rằng quý vị cần sửa chữa. Nếu chủ nhà không trả lời, hãy viết thư cho người đó về trục trặc cần sửa. Tự giữ bản sao thư.
  • Nếu chủ nhà vẫn không trả lời yêu cầu của quý vị thì gọi cho Văn Phòng Nhà Ở Địa phương. Phần lớn các chính quyền địa phương hoặc thành phố đều có người kiểm tra những vấn đề về nhà ở. Đề nghị Văn Phòng Nhà Ở gửi kiểm tra viên tới thăm nhà quý vị. Chỉ cho kiểm tra viên thấy tất cả những thứ bị hư hỏng.
  • Nếu chủ nhà không sửa (những) hư hỏng, quý vị có thể làm đơn kiện họ.

Lời khuyên: Nếu quý vị thay đổi chỗ ở, quý vị nên báo cho Bưu Điện Hoa Kỳ (U.S. Postal Service) để họ có thể gửi chuyển tiếp thư của quý vị đến địa chỉ mới. Để thay đổi địa chỉ trực tuyến, vui lòng truy cập www.usps.com/umove hoặc tới bưu điện địa phương của quý vị. Đừng quên rằng quý vị cũng phải nộp Mẫu Đơn AR-11, Thay Đổi Địa Chỉ cho USCIS. Xem hướng dẫn ở trang 19.

Hiểu Rõ Quyền Của Quý Vị: Không Được Phép Phân Biệt Đối Xử Trong Vấn Đề Nhà Ở

Chủ nhà không được phép từ chối cho thuê nhà vì lý do nhân thân của quý vị. Chủ nhà vi phạm pháp luật
nếu từ chối quý vị vì:

  • Chủng tộc hoặc màu da;
  • Nguồn gốc quốc gia;
  • Tôn giáo;
  • Giới tính;
  • Khuyết tật; hoặc
  • Tình trạng gia đình.

Nếu quý vị cảm thấy mình đã bị từ chối về nhà ở vì bất kỳ lý do nào đề cập trên đây, hãy liên hệ với Bộ Gia Cư Và Phát Triển Đô Thị Hoa Kỳ (HUD) qua điện thoại số 1-800-669-9777 hoặc 1-800-927-9275 (dành cho người khiếm thính). Quý vị cũng có thể nộp hồ sơ khiếu nại trong mục “Nhà Ở Công Bằng” trong
www.hud.gov. Thông tin hiện có bằng một số ngôn ngữ.

Mua Nhà

Việc sở hữu nhà là một trong những ước mơ của Người Mỹ. Việc sở hữu một căn nhà mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng nhiều trách nhiệm.

Nhân viên địa ốc có thể giúp quý vị tìm mua một căn nhà. Hãy hỏi bạn bè, đồng sự nếu họ có thể khuyến nghị nhân viên địa ốc hoặc gọi nhân viên địa ốc tại địa phương để tìm tên nhân viên. Hỏi nhân viên thông thạo khu vực quý vị muốn mua nhà. Có nhiều cách tìm bất động sản, như tìm kiếm trên Internet, tìm bất động sản ở mục “Rao vặt” trên báo, hoặc tìm bảng hiệu “Bán Nhà” ở những khu lân cận mà quý vị thích.

Hầu hết mọi người cần vay tiền để mua nhà. Hình thức vay này được gọi là vay thế chấp. Quý vị có thể vay thế chấp tại một ngân hàng địa phương hoặc tại một công ty cho vay thế chấp. Vay thế chấp có nghĩa là quý vị được cho vay tiền với lãi suất nhất định trong một thời hạn nhất định.

Số tiền lãi quý vị trả trên khoản vay thế chấp có thể được khấu trừ từ thuế thu nhập liên bang của quý vị. Quý vị cũng cần mua bảo hiểm chủ sở hữu nhà để giúp trả cho những thiệt hại có thể xảy ra sau này với nhà của quý vị. Bảo hiểm thường bao trả những thiệt hại gây ra bởi thời tiết xấu, hỏa hoạn hoặc trộm cướp.

Quý vị cũng cần trả thuế bất động sản căn cứ vào giá trị của căn nhà. Nhân viên địa ốc hoặc luật sư chuyên về địa ốc có thể giúp quý vị tìm nơi vay tiền thế chấp và mua bảo hiểm. Họ cũng có thể giúp quý vị điền vào các mẫu đơn để mua nhà.

Nhân viên địa ốc không được tính phí quý vị khi mua nhà nhưng quý vị phải trả lệ phí cho luật sư bất động sản để giúp quý vị điền các mẫu đơn. Quý vị cũng sẽ phải trả lệ phí cho việc vay tiền nợ thế chấp và nộp những mẫu đơn pháp lý cho tiểu bang. Các lệ phí này được gọi là các chi phí hoàn tất hợp đồng sang nhượng bất động sản. Nhân viên địa ốc hoặc người cho vay thế chấp phải nói cho quý vị biết các khoản lệ phí này là bao nhiêu trước khi quý vị ký vào các mẫu đơn cuối cùng để sang nhượng nhà. Để được trợ giúp tìm kiếm nhân viên địa ốc, tìm khoản vay, và chọn bảo hiểm, mời quý vị vào mục “Mua Nhà” trong www.hud.gov.

Lời khuyen: Tự bảo vệ quý vị khỏi sự lừa đảo và những kẻ cho vay nặng lãi đối với vay thế chấp. Một số kẻ cho vay có thể cố gắng lợi dụng quý vị, như tính thêm phí vì quý vị mới tới quốc gia này. Có những điều luật bảo vệ quý vị khỏi bị gian lận, bị tính những chi phí không cần thiết, và bị phân biệt đối xử trong việc mua nhà. Để biết thêm thông tin về lừa đảo cho vay và được tư vấn phòng ngừa chúng, vui lòng truy cập “Mua Nhà” trong www.hud.gov.

Thông Tin Thêm Về Việc Mua Hoặc Thuê Nhà

Vui lòng truy cập mục “Mua Nhà” trong trang web của Bộ Gia Cư Và Phát Triển Đô Thị Hoa Kỳ (HUD) tại
www.hud.gov. Quý vị còn có thể tham vấn chuyên gia tư vấn nhà ở bằng cách gọi cho HUD số 1-800-569-4287. Thông tin có sẵn bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Để biết các nguồn hữu ích khác, vui lòng truy cập Trung Tâm Thông Tin Công Dân Liên Bang tại http://publications.usa.gov.

Tìm Việc Làm

Có nhiều cách tìm việc ở Hoa Kỳ. Để tăng thêm cơ hội tìm việc, quý vị có thể:

  • Hỏi bạn bè, hàng xóm, gia đình hoặc những người khác trong cộng đồng về những nơi đang tuyển người làm hoặc những nơi tốt để làm việc.
  • Tìm việc trên mạng Internet. Nếu quý vị sử dụng máy tính ở thư viện thì nhân viên thư viện có thể giúp quý vị bắt đầu.
  • Tìm những bảng “Cần Người” (“Help Wanted”) trên cửa của các doanh nghiệp ở địa phương.
  • Đến Phòng Tuyển Dụng hoặc Phòng Nhân Sự của những doanh nghiệp trong vùng để hỏi xem họ đang cần người hay không.
  • Tìm đến những cơ quan cộng đồng quản lý các chương trình dạy nghề và giúp người nhập cư tìm việc.
  • Đọc các bảng tin trong thư viện địa phương, cửa hàng tạp phẩm và các trung tâm cộng đồng để tìm thông báo về những nơi cần người.
  • Đến hỏi tại phòng dịch vụ việc làm của tiểu bang hoặc địa phương.
  • Đọc phần “Rao Vặt” (“Classifieds”) trong mục “Việc Làm” (“Employment”) trên báo.

Lời khuyên: Khi quý vị đang tìm việc, quý vị có thể gặp một số cạm bẫy công việc. Mặc dù nhiều hãng dịch vụ việc làm hợp pháp và có ích nhưng vẫn có những nơi trình bày không đúng các dịch vụ của họ, đưa ra những chào mời công việc đã hết hạn hoặc giả mạo, hoặc tính phí trả trước rất cao cho các dịch vụ có thể không mang tới kết quả có công việc. Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập www.ftc.gov/jobscams

Xin Việc

Hầu hết nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu quý vị điền vào một mẫu đơn xin việc. Mẫu đơn này có những câu hỏi về địa chỉ, trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc trước đây. Mẫu đơn cũng có thể yêu cầu thông tin về những đồng nghiệp trước đây của quý vị, họ có thể khuyến nghị quý vị. Những người này được gọi là
người giới thiệu, và nhà tuyển dụng có thể muốn gọi cho họ để tìm hiểu thêm về quý vị.

Quý vị có thể cần làm lý lịch (resumé) liệt kê những kinh nghiệm làm việc của mình. Bản lý lịch giới thiệu cho nhà tuyển dụng biết về những việc làm trước đây, trình độ học vấn hoặc quá trình huấn luyện, và các kỹ năng làm việc của quý vị. Khi nộp đơn xin việc, hãy mang theo lý lịch.

Định cư Mỹ (Hoa Kỳ) [Tổng hợp những điều cần biết]

Một bản lý lịch tốt cần phải như sau:

  • Có tên, địa chỉ và số điện thoại của quý vị, và địa chỉ email;
  • Liệt kê những việc làm trước đây cùng với ngày tháng quý vị đã làm việc;
  • Cho biết trình độ học vấn của quý vị;
  • Cho biết về những kỹ năng đặc biệt cuả quý vị; và
  • Dễ đọc và không mắc lỗi.

Hãy tìm đến những cơ quan dịch vụ cộng đồng tại địa phương xem họ có thể giúp quý vị viết lý lịch hay không. Cũng có những cơ sở thương mại tư nhân có thể giúp, nhưng họ sẽ thu lệ phí. Để biết thêm thông tin về xin việc, vui lòng truy cập www.careeronestop.org

Phỏng Vấn Việc Làm

Nhà tuyển dụng có thể muốn gặp mặt quý vị để nói chuyện về công việc mà quý vị đang xin. Họ sẽ hỏi về công việc mà quý vị đã làm trước đây và các kỹ năng của quý vị. Để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn này, quý vị có thể tập trả lời các câu hỏi về công việc trước đây và về các kỹ năng của mình với một người bạn hoặc người thân trong gia đình. Quý vị cũng có thể hỏi nhà tuyển dụng vào cuối buổi phỏng vấn. Đây là một cơ hội tốt để tìm hiểu về công việc.

Những điều quý vị có thể muốn hỏi:

  • Quý vị mô tả ra sao về một ngày làm việc điển hình của vị trí này?
  • Tôi sẽ được đào tạo hay làm quen với công việc như thế nào?
  • Công việc này phù hợp với tổ chức ở chỗ nào?
  • Quý vị mô tả môi trường làm việc thế nào?
  • Quý vị xem các khía cạnh tích cực và khía cạnh thử thách của vị trí này là gì?

Trong cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể hỏi quý vị nhiều câu hỏi nhưng nhà tuyển dụng không được phép hỏi một số câu nhất định. Không ai được phép hỏi về chủng tộc, màu da, giới tính, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia, tuổi tác hoặc tình trạng khuyết tật nếu có của quý vị. Để biết thêm thông tin về quy trình phỏng vấn công việc, vui lòng truy cập www.dol.gov.

Đi Lại Tại Hoa Kỳ

Có nhiều cách đi lại tại Hoa Kỳ. Nhiều thành phố có các hình thức vận tải công cộng khác nhau như xe buýt, tầu (cũng gọi là tầu điện ngầm) hoặc xe điện. Ai cũng có thể đi những loại xe này với một khoản lệ phí nhỏ. Ở một số nơi, quý vị có thể mua thẻ đi nhiều lần trên tầu hoặc xe buýt. Quý vị cũng có thể trả riêng cho mỗi lần đi. Taxi (taxicab hay taxi) là loại xe hơi đưa quý vị đi đến nơi mình muốn với một khoản phí. Đi taxi đắt hơn nhiều so với những phương tiện giao thông công cộng.

Để Có Bằng Lái Xe

Lái xe không bằng lái là vi phạm pháp luật. Nếu quý vị muốn lái xe thì quý vị phải nộp đơn và xin lấy bằng lái xe. Qúy vị nhận bằng lái xe ở tiểu bang quý vị đang sống.

Hãy hỏi văn phòng tiểu bang phụ trách cấp bằng lái xe để biết cách lấy bằng lái xe. Những văn phòng này được đặt tên khác nhau tùy theo tiểu bang. Một số tên thông thường là Nha Lộ Vận (Department of Motor Vehicles, hay DMV), Nha Giao Thông (Department of Transportation), Cục Đăng Kiểm Xe (Motor Vehicle Administration), hoặc Nha An Toàn Công Cộng (Department of Public Safety). Quý vị có thể tìm những văn phòng này trong danh bạ điện thoại hoặc để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập www.usa.gov/Topics/Motor_Vehicles.shtml.

Một số thường trú nhân đã có bằng lái xe được cấp ở một quốc gia khác. Quý vị có thể đổi bằng lái xe đó thành bằng lái xe của tiểu bang mình ở. Hãy tìm hiểu tại văn phòng tiểu bang xem quý vị có thể đổi được hay không.

Tôi Có Nên Mua Xe Hơi Không?

Sở hữu xe hơi có thể là cách đi lại tiện lợi. Tại Hoa Kỳ, quý vị phải trả tiền bảo hiểm xe hơi và đăng ký xe và cấp biển xe. Ở một số thành phố, xe cộ nhiều có thể làm cho việc lái xe khó khăn hơn. Quý vị nên cân nhắc tất cả các chi phí và lợi ích trước khi quyết định mua xe. Để biết thêm thông tin về mua xe, vui lòng truy cập mục “Đi lại và Nghỉ ngơi” (Travel and Recreation) trong www.usa.gov.

10 Lời Khuyên Để Lái Xe An Toàn Ở Hoa Kỳ

1. Lái ở bên phải đường.
2. Luôn mang theo bằng lái xe, đăng ký xe và thẻ bảo hiểm trong xe.
3. Luôn luôn thắt dây an toàn.
4. Sử dụng dây an toàn thích hợp và ghế an toàn cho trẻ em.
5. Bật đèn tín hiệu khi quẹo trái hoặc quẹo phải.
6. Tuân thủ toàn bộ luật giao thông và tín hiệu giao thông.
7. Tấp vào lề đường nếu có xe khẩn cấp — xe cảnh sát, xe cứu hỏa hoặc xe cứu thương — cần qua mặt
quý vị.
8. Không vượt xe buýt đưa rước học sinh khi đèn tín hiệu mầu đỏ của xe này nhấp nháy.
9. Không lái xe nếu đã uống rượu hoặc sử dụng ma túy.
10. Giảm tốc độ và thật cẩn thận khi đang lái xe trong sương mù, trên đường đông đá, mưa hoặc tuyết.

Lời khuyên: Ở Hoa Kỳ, bằng lái xe còn được sử dụng để chứng minh nhân thân. Nếu quý vị chưa có ô tô hoặc không thường xuyên lái xe thì có bằng lái xe vẫn là một ý hay.

Xem thêm chi tiết đầy đủ nhất trong file PDF:

Loader Loading…
EAD Logo Taking too long?

Reload Reload document
| Open Open in new tab

Download [3.54 MB]

Muốn định cư ở Mỹ cần bao nhiêu tiền?

Định cư Mỹ cần bao nhiêu tiền sẽ phụ thuộc vào việc bạn lựa chọn hình thức nhập cư. Hiện nay, có một số hình thức nhập cư vào Mỹ phổ biến như sau:

Định cư theo diện đầu tư

Nếu muốn nhập cư vào Mỹ theo hình thức này, bên cạnh việc phải đáp ứng đầy đủ về các yêu cầu như nhân khẩu học, kỹ năng… Thì phải bỏ ra số tiền không nhỏ để tiến hành đầu tư vào nền kinh tế của nước Mỹ. Điển hình là chương trình đầu tư EB5 phổ biến nhất hiện nay, nhà đầu tư cần 500.000 USD để đầu tư vào dự án vùng TEA – vùng tạo việc làm trọng điểm của Mỹ. Từ đó, nhà đầu tư nhận lại thẻ xanh và có thể định cư tại Mỹ lâu dài. Đến Mỹ, khoản chi tiêu cố định của họ thường là các chi phí sinh hoạt hàng tháng, điện nước, thức ăn và các tiện ích liên quan khác.

Định cư theo diện du học

Đối với những người lựa chọn hình thức nhập cư Mỹ theo diện du học, sau đó ở lại xin định cư tại Mỹ, những chi phí của họ sẽ khác. Mặc dù không cần mất một khoản đầu tư lớn cho chính phủ Mỹ, tuy nhiên họ lại phải chịu học phí trong thời gian theo học tại trường. Học phí 4 năm ở những trường đại học công lập có thể dao động từ 9.650 – 24.930 USD/năm. Học phí 4 năm học tại trường đại học tư thục ở Mỹ trung bình là 33.480 USD.

Đặc biệt, họ cần xin được thẻ xanh Mỹ trước khi kết thúc thời gian học thì mới có thể ở lại định cư. Đa phần những người định cư theo diện sau du học đều phải thuê nhà, do vậy mà chi phí hàng tháng của họ sẽ tăng lên đáng kể.

Định cư theo diện tay nghề

Đối với diện này, chi phí bỏ ra ban đầu dùng để hoàn tất giấy tờ, hồ sơ cá nhân, thi chứng chỉ nghề. Đặc biệt các kỹ năng bao gồm ngôn ngữ, tay nghề, kinh nghiệm thường bị kiểm định rất gắt gao. Sau khi định cư ở nước Mỹ thì có rất nhiều khoản chi phí bao gồm tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt phí cùng các tiện ích liên quan. Mặt bằng chung cho tiền thuê nhà dao động ở con số 2.000 – 3.000USD/tháng

Ngoài ra, còn có định cư Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình dành cho những người có người thân ruột thịt, vợ/chồng, hôn thê/hôn phu có quốc tịch Mỹ hoặc là thường trú nhân bảo lãnh sang Mỹ để định cư.

Muốn định cư ở Mỹ cần những gì?

Bạn cần ghi nhớ và đáp ứng đủ các điều kiện định cư Mỹ để không mất quá nhiều thời gian và chi phí:

  • Phải có thẻ xanh.
  • Có đơn yêu cầu nhập cư đủ điều kiện và chấp thuận cho bạn.
  • Trực tiếp có thị thực nhập cư có sẵn.
  • Được nhận vào Hoa Kỳ.

Nếu muốn được công nhận là công dân Mỹ, bạn phải chuẩn bị tất cả hồ sơ cá nhân, hồ sơ cần thiết để hoàn tất thủ tục định cư ở Mỹ cũng như ở Việt Nam. Tùy vào mỗi diện định cư khác nhau mà sẽ có thêm những yêu cầu.

Xem thêm: Giáo dục tại Hoa Kỳ

Bạn đang có người thân người nhà sống bên Mỹ?

NẾU BẠN ĐANG Ở MỸ MUỐN GỬI HÀNG HÓA ĐỒ ĂN TỪ VIỆT NAM SANG THÌ HÃY LIÊN HỆ CÔNG TY VIỆT TÍN EXPRESS CHÚNG TÔI NGAY.

Công ty vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ uy tín

Chúng tôi nhận gửi đa dạng các loại hàng hóa (xem chi tiết)

Gửi hàng qua Mỹ nhanh chóng chỉ 3 – 5 ngày làm việc

Gửi hàng Door to Door

Cung cấp mã vận đơn theo dõi rõ ràng minh bạch

Đóng gói miễn phí, hỗ trợ thủ tục hải quan miển phí, FDA miễn phí,…

Bài viết liên quan:

  1. Định cư Mỹ (Hoa Kỳ) [Tổng hợp những điều cần biết]
  2. Danh sách những thực phẩm ĐƯỢC và BỊ CẤM mang vào Mỹ
  3. Lạm phát Mỹ, giá cả hàng hóa tăng cao (gửi hàng Việt Nam qua Mỹ)
  4. FDA là gì? MSDS là gì? Tất tần tật những điều bạn cần biết
  5. Gửi mắm qua Mỹ (mắm thái, mắm cá, mắm tôm, mắm ruốc, mắm cà pháo,…)
  6. Gửi thực phẩm đi Mỹ (bánh mứt, khô cá, mựt, tôm, mắm, gia vị, cafe, mì, phở, hạt khô…)
  7. Gửi khô đi Mỹ (cá khô, tôm khô, khô mực,…)
  8. Gửi bánh trung thu đi Mỹ
  9. Gửi Yến đi Mỹ an toàn
  10. Gửi trái cây đi Mỹ an toàn
  11. Kinh nghiệm gửi hàng đi Mỹ tiết kiệm nhanh chóng