Giáo dục tại Hoa Kỳ

Giáo dục có thể kết nối quý vị và gia đình quý vị với cộng đồng. Bài này mô tả các trường học tại Mỹ cho trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn.

Giáo dục tại Hoa Kỳ

Để đảm bảo mỗi đứa trẻ đều được chuẩn bị để thành công, nước Mỹ có nền giáo dục công lập miễn phí từ mầm non đến hết lớp 12 cho tất cả học sinh tại Mỹ. Một số cộng đồng cũng tạo cơ hội cho trẻ em 3 tuổi học mẫu giáo. Phần này sẽ giúp quý vị biết cách ghi danh nhập học cho con mình, cách vận hành của các trường học tại Mỹ, và cách giúp trẻ học.

Phần lớn những trường học công lập ở nước Mỹ là đồng giáo dục (co-educational). Đồng giáo dục nghĩa là học sinh nam và học sinh nữ cùng học một lớp, tuy nhiên, có một số trường chỉ cho ghi danh học cho một giới: nam hoặc nữ. Hầu hết các trường thuộc về một học khu, trong đó bao gồm các trường khác nhau cho trẻ thuộc các độ tuổi khác nhau. Các độ tuổi của học sinh ở mỗi trường có thể khác nhau giữa các cộng đồng.

Ghi Danh Cho Con Quý Vị Nhập Học

Một trong những việc đầu tiên quý vị nên làm là ghi danh cho con nhập học. Hãy gọi điện thoại hoặc tới trụ sở của học khu địa phương để tìm hiểu xem bé nên học trường nào. Hiện tại, tất cả các bang và Quận Columbia có các điều luật nhập học bắt buộc. Nhập học bắt buộc nghĩa là tất cả trẻ ở các độ tuổi nhất định phải đến trường. Ở phần lớn các tiểu bang, các luật này bắt buộc tất cả các trẻ em ở độ tuổi từ 5 đến 16 đều phải đến trường. Hãy xác nhận với học khu ở địa phương quý vị đang sống hoặc sở giáo dục tiểu bang để tìm hiểu các độ tuổi cần đến trường ở tiểu bang quý vị.

Quý vị có thể gửi con mình đến trường công lập hoặc trường tư thục. Những trường công lập thì miễn phí và không giảng dạy về tôn giáo. Tiểu bang quyết định con quý vị học gì ở trường công lập, nhưng học khu địa phương, hiệu trưởng, giáo viên địa phương và phụ huynh quyết định phương pháp giảng dạy. Các trường đặc cách là loại hình trường công lập đặc biệt, vận hành độc lập với học khu địa phương. Thuế tiểu bang và địa phương, cũng như thuế liên bang chi trả cho các trường công.

Các trường tư thục là lựa chọn khác dành cho quý vị để giáo dục con cái. Các trường tư thực được các nhóm không trực thuộc chính phủ sở hữu và điều hành, bao gồm các nhóm tôn giáo và phi tôn giáo. Nhìn chung, học sinh phải trả một khoản lệ phí (gọi là “học phí” (tuition)) để học tại trường tư thục. Trong một số trường hợp, các trường tư thục hỗ trợ tài chính cho những học sinh không thể trả học phí. Trong các trường hợp còn lại, quỹ công có thể có sẵn dưới hình thức phiếu trả tiền cho học sinh để học tại trường tư thục. Một số trường tư thục nam nữ học chung, trong khi một số trường khác chỉ dành cho nam sinh hoặc nữ sinh. Một số bang đề ra yêu cầu xin cấp phép hoặc đăng ký đối với các trường tư thục, và nhiều trường tư thục có thể chọn để được chứng thực bởi một hiệp hội chứng thực. Để hiểu rõ hơn về các trường tư thục, hãy liên hệ với sở giáo dục ở tiểu bang quý vị.

Giáo dục con tại nhà là một phương án khác. Phương án này gọi là trường học tại gia (home-schooling). Các yêu cầu về trường học tại gia khác nhau giữa các tiểu bang. Phụ huynh quan tâm đến giáo dục tại gia nên liên hệ với sở giáo dục tiểu bang để biết thêm thông tin.

Phần lớn trẻ em tại Mỹ học tại trường công lập khoảng 13 năm, từ cấp mầm non đến hết lớp 12. Ở phần lớn các trường, con quý vị sẽ được xếp lớp (gọi là “grade”) căn cứ vào độ tuổi và trình độ học vấn trước đó. Đôi khi, trường học có thể cho con quý vị làm bài thi để quyết định cháu nên học lớp nào.

TRƯỜNG TẠI HOA KỲ THƯỜNG ĐƯỢC TỔ CHỨC NHƯ THẾ NÀO

Trường Tiểu HọcMẫu Giáo và Lớp
1 đến Lớp 5 hoặc Lớp 1 đến Lớp 6
Trẻ Em từ 5 đến 11 tuổi
Trường Phổ Thông Cơ SởLớp 6 đến Lớp 8,
Lớp 7 đến Lớp 8, hoặc Lớp 7 đến
Lớp 9
Thiếu Niên từ 11 đến 14 tuổi
Trường Phổ Thông Trung HọcLớp 9 đến Lớp 12
hoặc Lớp 10 đến Lớp 12
Vị Thành Niên từ 14 đến 18 tuổi
(và lên tới 21 tuổi trong một số
trường hợp)
Giáo Dục Đại HọcCác Trường Đại Học Cộng Đồng
Công Lập và Tư Thục,
Các Trường Cao Đẳng hoặc Đại
Học Hai Năm hoặc Bốn Năm, Các
Trường Dạy Nghề
Tất Cả Người Lớn Đủ Điều Kiện
Đều Có Thể Học

Một số thắc mắc mà phụ huynh thường hỏi về trường học công lập bao gồm:

Năm học kéo dài bao lâu?

Năm học thường bắt đầu vào tháng 8 hoặc tháng 9 và kết thúc vào tháng 5 hoặc tháng 6. Ở một số nơi, trẻ em đi học cả năm. Trẻ em đi học từ thứ Hai đến thứ Sáu. Nhiều trường học có chương trình sinh hoạt trước hoặc sau giờ học chính quy dành cho trẻ em có phụ huynh đi làm. Quý vị có thể phải trả một khoản lệ phí cho những chương trình trước hoặc sau giờ học chính quy, tuy nhiên một số dịch vụ phụ đạo đặc biệt có thể miễn phí ở học khu của quý vị.

Tôi đăng ký nhập học cho con mình ở đâu?

Hãy gọi điện thoại hoặc tới trụ sở của học khu địa phương để tìm hiểu xem bé nên học trường nào.

Tôi cần những giấy tờ gì để đăng ký nhập học cho con mình?

Quý vị cần hồ sơ y tế của bé và giấy tờ chứng minh rằng bé đã được chủng ngừa một số loại thuốc nhất định (cũng được gọi là “shots”) để bảo vệ bé khỏi nhiễm bệnh. Quý vị cũng cần giấy tờ định danh, chẳng hạn như giấy khai sinh, và giấy tờ chứng minh quý vị đang sống trong cùng cộng đồng với trường học. Nếu quý vị đã mất những giấy tờ này, hãy hỏi nhân viên trường học để biết cách xin giấy tờ mới. Để tránh chậm trễ, hãy chuẩn bị những giấy tờ này trước khi quý vị đến trường để ghi danh nhập học cho con mình.

Nếu con tôi không nói tiếng Anh thì sao?

Nếu con quý vị không nói được tiếng Anh, thì học khu sẽ đánh giá các kỹ năng ngôn ngữ của bé. Sau đó trường sẽ cung cấp cho con quý vị các dịch vụ mà bé cần để học tiếng Anh cũng như để tham gia vào các chương trình học tập ở trình độ phù hợp. Học khu chịu trách nhiệm cung cấp cho con quý vị các dịch vụ thích hợp để đáp ứng nhu cầu ngôn ngữ của trẻ, và cũng thông báo cho quý vị bằng ngôn ngữ quý vị có thể hiểu về các dịch vụ mà con quý vị sẽ nhận. Quý vị có thể liên hệ với trường của con mình để hỏi về quy trình này. Ngoài các dịch vụ ngôn ngữ trong thời gian học chính quy, một số trường cung cấp các chương sau giờ học và phụ đạo để giúp học sinh cải thiện tiếng Anh ngoài giờ lên lớp. Trường học của con quý vị sẽ cho quý vị biết họ có thêm những chương trình hỗ trợ nào cho học sinh học tiếng Anh.

Nếu con tôi bị khuyết tật thì sao?

Tất cả các học sinh tại Mỹ có quyền được nhận nền giáo dục công lập miễn phí, cho dù chúng bị khuyết tật. Nếu con quý vị bị khuyết tật, bé có thể nhận được giáo dục đặc biệt và miễn phí cũng như các dịch vụ liên quan. Con quý vị sẽ được xếp vào một lớp học bình thường nếu phù hợp với nhu cầu của bé. Đôi khi, con quý vị có thể cần giáo dục đặc biệt hoặc các dịch vụ liên quan ngoài giờ học chính quy. Quý vị có thể tham gia khi nhân viên trường học đưa ra các quyết định mang tính cá nhân về cách giáo dục tốt nhất cho con quý vị. Trường chịu trách nhiệm liên hệ với quý vị về các quyết định này bằng ngôn ngữ mà quý vị có thể hiểu được. Để biết thêm thông tin về cách truy cập các dịch vụ và các nguồn lực khác, vui lòng truy cập http://idea.ed.gov.

Con tôi chưa đi học trước khi đến Hoa Kỳ. Cháu có thể theo học ở trường công lập miễn phí bao lâu?

Ở phần lớn các tiểu bang, học sinh có thể học ở các trường công miễn phí cho tới khi chúng tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc đến mức tuổi tối đa, thường là 21 tuổi. Nếu học sinh dưới 22 tuổi, chúng có thể đăng ký nhập học phổ thông trung học và theo đuổi bằng tốt nghiệp phổ thông chính quy. Nếu học sinh chưa tốt nghiệp bậc phổ thông trung học trước khi 22 tuổi, học sinh đó có thể đăng ký học các lớp Đệ Nhị Cấp Của Người Lớn (ASE). Các lớp ASE giúp chuẩn bị cho học sinh đạt được bằng tương đương với bằng tốt nghiệp phổ thông trung học (chẳng hạn như Bằng Phát Triển Giáo Dục Tổng Quan [GED]) thay vì bằng tốt nghiệp phổ thông trung học chính quy. Hãy liên hệ với học khu địa phương hoặc sở giáo dục tiểu bang, hoặc tìm kiếm trực tuyến để tìm hiểu các lớp GED hoặc lớp tương đương phổ thông trung học ở đâu.

Con tôi sẽ đến trường bằng cách nào?

Ở nước Mỹ, đôi khi trẻ em có thể đi bộ đến trường. Nếu trường học ở quá xa hoặc đi bộ không an toàn, các cháu có thể đi bằng xe buýt hoặc các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm hoặc xe lửa. Nhiều trường công có xe buýt miễn phí đưa rước học sinh ở những trạm xe buýt trường học ở gần nhà. Các trường công lập khác cung cấp cho các học sinh đủ tiêu chuẩn vé tháng để chúng có thể đi phương tiện công cộng ở địa phương miễn phí hoặc đi với giá giảm. Để biết liệu con quý vị có thể đi xe buýt tới trường hoặc nhận vé tháng phương tiện công cộng hay không, hãy liên hệ với văn phòng học khu địa phương của quý vị. Nếu quý vị có xe hơi, quý vị cũng có thể tổ chức nhóm đi chung xe (carpool) với những phụ huynh khác trong khu vực của mình để phân công đưa rước con em đến trường.

Con tôi sẽ ăn gì ở trường?

Trẻ em có thể mang bữa ăn trưa đến trường hoặc mua ở quán ăn tự phục vụ trong trường. Chính phủ Hoa Kỳ cũng cung cấp bữa sáng hoặc bữa trưa bổ dưỡng giá thấp hoặc miễn phí cho những em không có khả năng mua thức ăn tại trường. Hãy gọi điện hoặc đến trường học của con quý vị để biết liệu trường có tham gia vào chương trình bữa ăn trong trường của liên bang hay không. Thảo luận với nhân viên trường học để biết liệu con quý vị có đủ điều kiện tham gia hay không.

Ai có trách nhiệm trả tiền sách và những hoạt động trong trường?

Trường công lập thường phát sách giáo khoa miễn phí. Học sinh thường phải mua các dụng cụ học tập, như là giấy và bút chì. Nếu quý vị không thể mua những dụng cụ học tập này, hãy liên lạc với trường của bé. Một số trường có thể thu một lệ phí nhỏ cho dụng cụ học tập hoặc hoạt động đặc biệt, như là những cuộc đi chơi do trường tổ chức. Nhiều trường tổ chức những chương trình thể thao và âm nhạc sau giờ học. Quý vị có thể phải trả lệ phí để bé tham gia vào một số chương trình này.

Con tôi sẽ học những gì?

Mỗi tiểu bang đưa ra các tiêu chuẩn học tập cho các trường. Những tiêu chuẩn này quy định rõ những kiến thức và kỹ năng phải đạt được. Học khu địa phương quyết định xem các kiến thức này phải được truyền đạt như thế nào. Hầu hết các trường đều dạy những môn Anh văn, toán, xã hội học, khoa học và rèn luyện thân thể. Mỹ thuật, âm nhạc và ngoại ngữ đôi khi cũng được đưa vào chương trình giảng dạy.

Việc học của con tôi được đánh giá như thế nào?

Giáo viên sẽ cho điểm (còn gọi là “grade”) dựa vào thành tích học tập của con quý vị trong suốt năm học. Điểm số thường được căn cứ vào bài tập về nhà, bài trên lớp, kiểm tra, điểm danh và hành vi ứng xử trên lớp. Con quý vị sẽ nhận được một thành tích biểu vài lần trong năm. Một số trường sẽ gửi thành tích biểu của con quý vị trực tiếp cho quý vị. Thành tích biểu này cho quý vị biết kết quả học tập của con mình ở mỗi môn học. Các trường học có thể dùng những phương pháp chấm điểm khác nhau. Một số trường dùng chữ cái để làm thang điểm, chữ A và A+ là học xuất sắc, chữ D và chữ F là học kém hoặc không đạt. Còn những trường khác có thể tổng kết thành tích của con quý vị với những từ như “xuất sắc”, “tốt”, hoặc “cần cố gắng hơn”. Ở nhiều lớp, học sinh cũng phải làm các bài kiểm tra tiêu chuẩn mà các trường tiến hành để đánh giá học sinh. Hãy hỏi nhân viên trường học xem học sinh trong trường của bé được xếp hạng và đánh giá như thế nào.

Tôi phải làm thế nào để có thể gặp giáo viên của con tôi?

Hầu hết các trường học thường có những cuộc họp phụ huynh định kỳ để quý vị gặp giáo viên của con mình. Quý vị cũng có thể xin hẹn gặp mặt và thảo luận với giáo viên hay giám thị của trường để xem bé học tập như thế nào. Nếu quý vị không nói hoặc hiểu được tiếng Anh, học khu sẽ cung cấp phiên dịch viên có trình độ cho các cuộc gặp như thế. Học khu cũng cần cung cấp cho quý vị thông tin về các vấn đề khác ở trường bằng ngôn ngữ mà quý vị hiểu được.

Nếu con tôi nghỉ học tôi phải làm gì?

Sự hiện diện ở trường học là rất quan trọng. Phụ huynh phải viết thư gửi cho giáo viên hay gọi điện đến trường để giải thích tại sao con mình vắng mặt. Nếu con quý vị nghỉ học, hãy báo trước cho giáo viên. Thường thì học sinh phải hoàn thành hết các bài học mà các em đã bỏ lỡ khi nghỉ học. Hãy hỏi trường của con quý vị thông tin nào quý vị cần cung cấp nếu con quý vị nghỉ học.

Điều gì xẩy ra nếu con tôi có rắc rối?

Nhiều trường có một danh sách nội quy hoặc chính sách kỷ luật mà học sinh phải tuân thủ, thường được gọi là “các quy tắc đạo đức”. Hãy hỏi trường của con quý vị về chính sách kỷ luật hoặc quy tắc đạo đức của trường. Những học sinh vi phạm nội quy trường học có thể bị phạt ở lại trường sau giờ học. Hoặc là em đó sẽ không được phép tham gia vào những môn thể thao hay các hoạt động khác của trường. Trừng phạt thân thể không được phép ở các trường tại Hoa Kỳ ở hầu hết các tiểu bang.

Học sinh có thể bị đình chỉ học tập hoặc bị đuổi học nếu chúng có hành vi tồi tệ và thường xuyên vi phạm nội qui của trường. Con của quý vị sẽ không được đi học trường đó nữa nếu bị đuổi học. Quý vị cần phải đến gặp nhân viên của trường học để tìm hiểu xem làm cách nào để đưa con em trở lại trường.

Ở trường con tôi có an toàn không?

Hầu hết các trường công lập ở Mỹ là nơi an toàn để học tập. Hãy thảo luận với giáo viên, cố vấn viên của trường, hiệu trưởng, hoặc giám thị nhà trường nếu quý vị lo lắng về sự an toàn của con mình.

Cách Ngăn Chặn Vấn Đề Bắt Nạt: Bắt nạt là hành vi công kích ngôn từ hoặc thể chất không mong muốn giữa các trẻ ở độ tuổi đến trường. Bắt nạt có thể xảy ra trong hoặc sau giờ học. Mặc dù hầu hết các vụ bắt nạt được báo cáo xảy ra trong khuôn viên trường học, vấn đề này cũng xảy ra ở những nơi như sân chơi, xe buýt, hoặc trên mạng Internet. Để hiểu thêm về cách ngăn chặn bắt nạt hoặc giải quyết vấn đề này, vui lòng truy cập https://www.stopbullying.gov/

Giáo Dục Đại Học: Các Trường Cao Đẳng Và Đại Học

Vị thành niên và người lớn có thể tiếp tục theo học tại những trường cao đẳng cộng đồng hay kỹ thuật hệ hai năm, cao đẳng hệ bốn năm, hoặc đại học sau khi đã học xong phổ thông trung học. Những chương trình học này được gọi là chương trình giáo dục sau trung học (postsecondary institutions) hay chương trình giáo dục đại học (institutions of higher education). Thông thường, bốn năm đầu của giáo dục sau phổ thông được gọi là giáo dục đại học, và việc học lên sau khi có bằng cử nhân được gọi là học cao học. Có nhiều trường công lập cũng như tư thục có chương trình giáo dục đại học. Nhìn chung, các trường cao đẳng và đại học công lập có thể ít tốn kém hơn so với các trường tư thục, nhất là đối với những người thường trú ở cùng tiểu bang với trường. Thanh thiếu niên cũng có thể chọn các trường dạy về một nghề nào đó, chẳng hạn như sửa máy tính hay làm trợ lý chăm sóc y tế.

Sinh viên trong chương trình giáo dục đại học chọn ngành học đặc biệt để học chuyên sâu (được gọi là chuyên ngành (major)). Chọn chuyên ngành giúp sinh viên chuẩn bị kiếm việc làm hoặc học tiếp các chương trình cao hơn trong lĩnh vực này.

Giáo dục tại Hoa Kỳ

GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Loại Bằng CấpLoại Trường HọcThời Gian Học
Chứng ChỉĐại Học Cộng Đồng/Trường Dạy
Nghề
Sáu tháng tới hai năm
Bằng Đại Học Đại CươngĐại Học Cộng ĐồngHai năm
Cử NhânCao đẳng hoặc Đại học bốn nămBốn năm
Thạc SĩĐại HọcHai năm
Tiến SĩĐại HọcHai đến tám năm
Chuyên GiaTrường Chuyên NgànhHai đến năm năm

Giáo dục tại trường cao đẳng hoặc đại học có thể đắt, nhưng có các chương trình giúp quý vị trả chi phí giáo dục này. Hầu hết sinh viên vay tiền hoặc xin học bổng hay xin tài trợ để giúp trả cho chi phí học tập. Một số trường hỗ trợ tài chính gọi là học bổng. Quý vị có thể tới văn phòng hỗ trợ tài chính của trường mình để tìm hiểu thêm về các học bổng. Các học bổng và tài trợ nhất định được giới hạn chỉ dành cho công dân Hoa Kỳ, người mang quốc tịch Hoa Kỳ, các thường trú nhân, hoặc các công dân không mang quốc tịch Hoa Kỳ đủ tiêu chuẩn. Chính phủ Mỹ cũng trợ giúp tài chính cho sinh viên. Để tìm hiểu thêm về hỗ trợ tài chính, xem phần bên dưới hoặc truy cập https://studentaid.gov/

Quỹ Tài Trợ Liên Bang cho Sinh Viên Đại Học

Chính phủ Mỹ cung cấp trợ giúp tài chính để giúp sinh viên thanh toán các chi phí giáo dục của mình ở một trường cao đẳng, trường kỹ thuật, trường nghề, hoặc trường học sau đại học đủ tiêu chuẩn. Hỗ trợ tài chính liên bang bao trả các chi phí như học phí, tiền phòng, tiền ăn, sách vở và đi lại. Nhìn chung, sinh viên đủ tiêu chuẩn có được hỗ trợ này dựa trên nhu cầu tài chính, chứ không phải điểm số của họ. Có ba loại hỗ trợ liên bang:

  • Tiền trợ cấp: là tiền quý vị không phải hoàn trả.
  • Tiền vừa học vừa làm (Work study): là tiền mà quý vị kiếm được bằng việc vừa học vừa làm.
  • Tiền vay: tiền quý vị mượn bây giờ nhưng phải hoàn trả sau này kèm theo lãi suất.

Giáo Dục Dành Cho Người Lớn

Việc học không nhất thiết phải kết thúc khi quý vị trở thành người lớn. Ở nước Mỹ, mọi người được khuyến khích để trở thành “người học suốt đời”. Nếu quý vị từ 16 tuổi trở lên và chưa học xong phổ thông trung học, quý vị có thể ghi danh vào lớp Đệ Nhị Cấp Của Người Lớn (ASE). Những lớp này chuẩn bị cho quý vị lấy được bằng Phát Triển Giáo Dục Tổng Quát GED (General Educational Development).

Bằng GED tương đương với bằng tốt nghiệp phổ thông trung học, mặc dù một số tiểu bang có thể yêu cầu quý vị làm một bài kiểm tra khác tương tự GED hoặc đáp ứng được các yêu cầu để lấy được bằng tương đương bằng tốt nghiệp phổ thông trung học. Bằng tương đương bằng tốt nghiệp phổ thông trung học (chẳng hạn như GED) cho thấy quý vị đã học kiến thức và kỹ năng học thuật cấp phổ thông trung học. Để lấy bằng GED, quý vị phải thi đậu bốn môn khác nhau: tư duy ngôn ngữ (đọc và viết), xã hội học, khoa học và tư duy toán học. Phần lớn các nhà tuyển dụng tại Hoa Kỳ xem chứng nhận GED tương đương với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong nhiều vùng, những lớp học chuẩn bị cho kỳ thi GED được tổ chức miễn phí hoặc với giá thấp. Tìm kiếm trên mạng Internet để hiểu về GED và các khóa học giáo dục khác dành cho người lớn, hoặc hãy gọi cho học khu địa phương để biết thêm thông tin.

Nhiều người lớn ghi danh học thêm về những chủ đề họ thích hoặc học những kỹ năng mới có thể giúp họ trong công việc. Nhiều hệ thống trường học công lập và đại học cộng đồng địa phương mở nhiều lớp giáo dục dành cho người lớn. Thông thường, những lớp này có lệ phí thấp và bất kỳ ai cũng có thể ghi danh nhập học. Hãy tìm hiểu tại hệ thống trường học địa phương hoặc đại học cộng đồng xem có những lớp học nào, học phí là bao nhiêu, và ghi danh như thế nào.

Học Tiếng Anh

Có nhiều nơi tổ chức lớp học nói, đọc và viết tiếng Anh. Nhiều trẻ em và người lớn ghi danh học Tiếng Anh như là Ngôn Ngữ Thứ Hai ESL (English as a Second Language). Những lớp học này giúp những người không biết tiếng Anh học ngôn ngữ này. Những lớp học này còn được gọi là Lớp Tiếng Anh cho Người Nói Thứ Tiếng Khác ESOL (English for Speakers of Other Languages) hoặc những lớp dạy đọc viết tiếng Anh.

Trẻ em không biết tiếng Anh sẽ học môn này trong trường. Các trường học công lập Mỹ có những chương trình trợ giúp và giảng dạy cho tất cả những học sinh cần học tiếng Anh.

Người lớn không hiểu tiếng Anh có thể ghi danh học lớp ESL của những trường công cho người lớn và giáo dục cộng đồng hoặc trường ngôn ngữ tư nhân. Trường của con quý vị có thể cung cấp các dịch vụ dạy đọc viết cho gia đình, dành cho phụ huynh, và đào tạo cho các phụ huynh không nói tiếng Anh. Hãy liên hệ với trường của con quý vị để tìm hiểu liệu trường có cung cấp các chương trình như thế hay không.

Các chương trình ở trường công cho người lớn và giáo dục cộng đồng thường được tổ chức trong cộng đồng địa phương bởi các học khu và đại học cộng đồng. Những chương trình này có những khoá học ESL có tình nguyện viên địa phương dạy kèm. Những chương trình này thường miễn phí, hoặc quý vị phải trả một khoản học phí nhỏ. Thời gian học có thể ban ngày hoặc ban đêm. Hãy gọi cho đại học cộng đồng địa phương hoặc văn phòng học khu để tìm những lớp học ESL mà họ cung cấp.

Hầu hết những thành phố lớn đều có những trường ngôn ngữ tư nhân có lớp học ESL ban ngày hoặc ban đêm. Học phí của các lớp ngôn ngữ tư nhân thường dựa trên số giờ dạy, và nhìn chung sẽ đắt hơn các lớp công lập. Quý vị có thể tìm kiếm trên mạng Internet các trường ngôn ngữ tư nhân trong khu vực mình sinh sống.

Một số tổ chức cộng đồng, thư viện, và những nhóm tôn giáo cũng có những lớp học ESL miễn phí hoặc giá thấp. Hãy tìm hiểu trong thư viện công cộng địa phương, cơ quan dịch vụ xã hội, nhà thờ hoặc chùa. Nhân viên tra cứu của thư viện địa phương cũng có thể cho quý vị biết về những chương trình ESL và giúp quý vị tìm sách, băng video, đĩa CD và phần mềm máy tính trong thư viện.

Phan Thị Tuyết Nga tổng hợp

Bài viết liên quan:

  1. Định cư Mỹ
  2. Danh sách những thực phẩm ĐƯỢC và BỊ CẤM mang vào Mỹ